Không có sản phẩm nào trong giỏ hàng của bạn.
Bác sĩ Thanh Tâm chia sẻ, nếu muốn giảm tỷ lệ sinh mổ thì thai phụ chăm sóc thai kỳ tốt, theo dõi chuyển dạ tốt. Mẹ bầu cần hợp tác với bác sĩ, cần kiên trì hơn do quá trình chuyển dạ có thể kéo dài từ 12-24 giờ. Phụ nữ mang thai, đặc biệt 3 tháng cuối thai kỳ nên chuẩn bị tốt về sức khỏe, kiến thức để sinh nở tự nhiên dưới sự hướng dẫn của bác sĩ, nhân viên y tế.
Nên mang thai trong độ tuổi 20-30
Bác sĩ Thanh Tâm cho biết, 22-26 tuổi là độ tuổi tốt nhất cho chị em mang thai, sinh con. Thời điểm này cơ thể phát triển toàn diện, khung xương chậu phù hợp sinh nở tự nhiên. Người mẹ chủ động công việc, tài chính nuôi con. Nếu sinh con sớm, cơ thể chưa đủ trưởng thành, thì nguy cơ cao phải mổ lấy thai.
Những thai phụ sinh con sau tuổi 40 cũng gặp khó khăn trong việc đẻ thường. Phụ nữ 40 tuổi trở lên, có nguy cơ mắc các biến chứng thai kỳ như: huyết áp cao, tiền sản giật, tiểu đường thai kỳ... gia tăng nên thường có nguy cơ phải sinh mổ.
Phụ nữ sinh con trước 35 tuổi sẽ dễ dàng sinh nở thuận tự nhiên hơn. Ảnh: Tuệ Diễm.
Tuân thủ lịch khám thai thường xuyên
Trong 3 tháng cuối thai kỳ, có nhiều dấu hiệu bất thường thai mà mẹ bầu cần lưu ý như: dây rốn quấn quanh cổ, em bé ngôi thai ngược, cân nặng bé bất thường, thai chậm phát triển... Nếu không được khám thai thường xuyên, phát hiện sớm, xử trí kịp thời sẽ khiến mẹ và bé gặp nguy hiểm nếu mẹ chuyển dạ sinh nở tự nhiên.
Ngược lại, đối với thai kỳ chăm sóc tốt, bác sĩ sẽ có kế hoạch theo dõi sát, điều chỉnh phù hợp để hỗ trợ mẹ sinh thường tự nhiên một cách an toàn nhất.
Chọn bác sĩ có nhiều kinh nghiệm, bệnh viện uy tín
Dân gian có câu "người chửa cửa mả" để nói đến mức độ nguy hiểm khi sinh con. Do đó, khi mang thai, thai phụ nên lựa chọn bệnh viện có chuyên khoa sản, bác sĩ chuyên môn cao, nhiều năm kinh nghiệm, cơ sở vật chất tốt để sinh nở.
Khi sắp đến ngày sinh, thai phụ nên gặp và trao đổi với bác sĩ về mong muốn sinh thường của mình để chuyên gia theo dõi và hỗ trợ.
Chế độ ăn uống lành mạnh, kiểm soát cân nặng
Dinh dưỡng thai kỳ quan trọng cho sự phát triển của thai nhi, nếu người mẹ cung cấp đủ dinh dưỡng nuôi thai, kiểm soát cân nặng, giúp cho việc sinh con dễ dàng hơn. Do đó, khi mang thai mẹ cần chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng, các nhóm thực phẩm, theo dõi cân nặng của con qua lần khám thai để có kế hoạch điều chỉnh phù hợp.
Các bác sĩ sản khoa dựa vào chỉ số cơ thể (BMI) cân nặng để đưa ra giải pháp tư vấn, theo dõi thai kỳ. Phụ nữ hoàn toàn có thể sinh thường nếu không mắc bệnh béo phì trước, trong khi mang thai. Mẹ bầu thừa cân sẽ biến chứng nguy hiểm, nên thường phải chỉ định sinh mổ.
Tham gia lớp học tiền sản
Lớp học trang bị những kiến thức thai sản quan trọng cho mẹ bầu, đặc biệt với chị em lần đầu mang thai. Trong lớp học tiền sản mẹ bầu sẽ được nghe giảng lý thuyết, trao đổi trực tiếp với chuyên gia và được thực hành những kỹ năng cần thiết, đặc biệt như: tập rặn đẻ, nhận biết dấu hiệu chuyển dạ.
Tập Kegel cho phụ nữ mang thai
Theo bác sĩ Thanh Tâm, đối với phụ nữ đang mang thai hoặc chuẩn bị sinh con, việc tập luyện bài tập Kegel cho bà bầu sắp sinh sẽ giúp cơ xương chậu khỏe hơn. Điều này giúp giảm thiểu hiện tượng són tiểu ở những tháng cuối thai kỳ, cuộc "vượt cạn" diễn ra nhẹ nhàng và an toàn hơn.
Uống nhiều nước
Việc uống ít nước có thể dẫn đến thiểu ối khi mang thai. Thai phụ có thể thiểu ối trong nhiều giai đoạn, nhưng nguy cơ thiểu ối cuối thai kỳ tăng cao. Nếu thai có dấu hiệu cạn ối, không thể sinh thường thuận lợi, bác sĩ phải mổ bắt con.
Theo bác sĩ Thanh Tâm, bình thường mỗi người nên uống 8 ly nước/ngày để giữ cho cơ thể khỏe mạnh. Tuy nhiên, với phụ nữ mang thai, chế độ dinh dưỡng cũng như lượng nước uống sẽ có sự thay đổi. Thai phụ cần uống nhiều nước hơn để cung cấp đủ ối. Do đó mẹ cần từ 10-12 ly nước mỗi ngày để cung cấp đủ nước cho mẹ và thai. Thai phụ nên tránh cà phê, nước tăng lực nước ngọt, thức uống có cồn. Ngoài nước lọc, chị em nên ưu tiên uống sữa, nước ép hoa quả, trà thảo mộc...
Chọn dịch vụ sinh gia đình
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Tâm, nhờ có dịch vụ phòng sinh gia đình nên người vợ không một mình đối diện với những cơn đau chuyển dạ. Người chồng và gia đình bên cạnh mẹ bầu trong suốt giai đoạn sinh nở là một hoạt động mang tính nhân văn. Sản phụ được hỗ trợ tinh thần, tiếp thêm sức mạnh để cuộc sinh diễn ra thuận lợi. Sự hỗ trợ của người thân sẽ giúp thai phụ giảm nhiều căng thẳng trong quá trình sinh con.
Theo Vnexpress.net
Chia sẻ