Top những trò chơi vận động dành cho trẻ mầm non hay và thú vị nhất

19/03/2024 130

Tham gia và trải nghiệm các trò chơi vận động dành cho trẻ mầm non sẽ giúp con thoải mái thư giãn, giải phóng nguồn năng lượng tích cực. Bên cạnh đó, hoạt động thể chất còn giúp con yêu tăng sức đề kháng, phát triển toàn diện hơn về mọi mặt.

Các trò chơi vận động giúp cho trẻ mầm non rèn luyện tốt về sức khỏe thể chất.

Các trò chơi vận động dành cho trẻ mầm non hấp dẫn, vui nhộn nhất
Mầm non thường là lứa tuổi vô cùng năng động và luôn muốn khám phá, trải nghiệm những điều mới mẻ, thú vị xoay quanh cuộc sống. Bên cạnh việc học tập để nâng cao kiến thức, hiểu biết thì trẻ nhỏ ở độ tuổi này cũng cần được tạo điều kiện để được vui chơi, giải trí và thư giãn lành mạnh.

Top những trò chơi vận động dành cho trẻ mầm non hay và thú vị nhất

Các trò chơi vận động dành cho trẻ mầm non không chỉ mang đến cho trẻ những cảm xúc thú vị và vui vẻ mà còn rèn luyện cho trẻ nhỏ các kỹ năng vận động, hỗ trợ nâng cao sức khỏe thể chất, gia tăng sức đề kháng hiệu quả. Bên cạnh đó, những trò chơi vận động còn có thể giúp trẻ gia tăng sự tập trung, chú ý, cải thiện khả năng ghi nhớ, thúc đẩy sự phát triển trí thông minh của nhiều trẻ nhỏ.

Do đó, đối với trẻ ở độ tuổi học mầm non, các bậc phụ huynh cùng với giáo viên nên tạo cho trẻ nhiều cơ hội để được vận động, vui chơi thoải mái đúng với lứa tuổi của mình. Dưới đây là một số gợi ý về các trò chơi vận động hấp dẫn dành cho trẻ mầm non mà bạn có thể tham khảo và áp dụng.

1. Trời nắng, trời mưa

Trò chơi vận động này thường được áp dụng tại các trường mầm non để giúp trẻ nhỏ gia tăng các hoạt động thể chất và rèn luyện được thói quen làm theo yêu cầu, hướng dẫn của những người xung quanh. Trò chơi “Trời nắng, trời mưa” sẽ trở nên vui nhộn hơn khi được chơi ngoài trời và có nhiều người tham gia.

Cách chơi: 

  • Cần chuẩn bị những chiếc vòng tròn hoặc những kí hiệu để làm thành nơi trú mưa. Mỗi nơi trú mưa nên đặt cách nhau khoảng 40cm và số vòng trú mưa sẽ ít hơn số lượng người chơi (có thể ít hơn 1 đến 2 vòng cho từng lượt chơi).
  • Người chơi trẻ đóng vai thành những chú chim nhỏ đang bay lượn trên bầu trời, vừa đi vừa hát líu lo.
  • Khi nghe hiệu lệnh “Trời mưa, trời mưa” mỗi em sẽ phải nhanh chóng tìm kiếm nơi trú mưa cho mình, mỗi chỗ trú chỉ chứa được một người.
  • Trẻ nào không tìm được nơi trú ẩn sẽ bị ướt và loại khỏi trò chơi.
  • Trò chơi vẫn sẽ tiếp tục, số lượng vòng cũng dần được giảm đi để tương ứng với số người chơi.
  • Khi quản trò nhận thấy số lượng người bị loại đã đủ thì bắt đầu cho hình phạt và kết thúc trò chơi.

Luật chơi: Khi người quản trò hô “Trời mưa”, nếu người chơi nào không tìm được chỗ trú mưa thì sẽ bị loại.

2. Vượt chướng ngại vật

“Vượt chướng ngại vật” là trò chơi vận động dành cho trẻ mầm non đòi hỏi sự nhanh nhẹn, nhạy bén và linh hoạt trong cách xử trí các tình huống. Trẻ nhỏ phải lần lượt vượt qua các chướng ngại vật và phải có tinh thần đồng đội, tập thể mới giành được chiến thắng trong trò chơi này.

Top những trò chơi vận động dành cho trẻ mầm non hay và thú vị nhất

hoạt động thể chất cho trẻ mầm non
Vượt chướng ngại vật là trò chơi đòi hỏi sự khéo léo, nhạy bén của trẻ.
Chuẩn bị: 

Các chướng ngại vật phù hợp với khả năng của trẻ mầm non.

  • Thang leo
  • Hầm chui
  • Vòng thể dục
  • Bụt bậc sâu

Cách chơi: 

  • Chia số người chơi thành các đội khoảng 4-5 người.
  • Trẻ sẽ đứng xếp hàng lần lượt theo thứ tự tại vạch xuất phát.
  • Khi có hiệu lệnh bắt đầu thì trẻ đầu tiên sẽ di chuyển để vượt qua các chướng ngại vật đã được sắp xếp.
  • Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, trẻ phải chạy nhanh về vạch xuất phát ban đầu để trẻ kế tiếp tiếp tục nhiệm vụ.
  • Cứ lần lượt như thế cho đến khi người cuối cùng của đội về đích là chiến thắng.

Lưu ý: 

Người lớn cần đứng ở các vị trí như leo cầu thang để có thể hỗ trợ và kịp thời giúp đỡ trẻ khi cần thiết.
Giáo viên cần thực hành đoạn đường đi trước để trẻ có thể hiểu rõ và chơi đúng luật.

3. Cáo và thỏ

Cáo và thỏ là một trong các trò chơi vận động được rất nhiều trẻ mầm non yêu thích. Trẻ nhỏ khi chơi có thể gia tăng được sự kết nối với bạn bè xung quanh, đồng thời phát triển tốt khả năng ngôn ngữ, giao tiếp.

Cách chơi: 

  • Trò chơi cần có 1 cáo, thỏ và hang thỏ (cứ 2 bạn sẽ tạo thành một chuồng thỏ).
  • Một cái hang sẽ chứa một con thỏ và thỏ bắt buộc phải nhớ đúng hang của mình.
  • Các con thỏ sẽ chui ra khỏi hang để đi tìm thức ăn, vừa đi vừa hát vừa nhảy và dùng 2 tay để giả làm tai thỏ.
  • Các bé sẽ cùng nhau đọc bài thơ:

”Trên bãi cỏ
Các chú thỏ
Tìm rau ăn
Rất vui vẻ
Thỏ nhớ nhé!
Có cáo gian
Đang rình đấy
Thỏ nhớ nhé!
Chạy cho nhanh
Kẻo cáo gian
Tha đi mất.”

  • Khi kết thúc bài thơ, cáo sẽ bắt đầu xuất hiện và truy đuổi những chú thỏ con.
  • Thỏ phải nhanh chân để chạy về hang của mình.
  • Nếu bị cáo bắt hoặc chạy về nhầm hang sẽ bị loại hoặc đổi vai trở thành cáo.
  • Luật chơi: Những chú thỏ phải tìm cách tránh khỏi sự truy đuổi của bọn cáo và phải vào đúng hang ẩn nấp của mình.
4. Chi chi chành chành

Chi chi chành chành là trò chơi phù hợp cho trẻ mầm non từ 3 tuổi. Để có thể tham gia trò chơi này, trẻ nhỏ cần phải thuộc bài đồng dao “Chi chi chành chành” và cần phải rèn luyện tốt về sự nhanh nhẹn của bàn tay.

hoạt động thể chất cho trẻ mầm non
Chi chi chành chành là trò chơi quen thuộc được nhiều trẻ mầm non yêu thích.
Cách chơi: 

  • Một trẻ sẽ xòe bàn tay của mình ra và những đứa trẻ còn lại sẽ dùng ngón tay để chỉ vào lòng bàn tay đó.
  • Trẻ xòe tay sẽ đọc bài đồng dao:

“Chi chi chành chành
Cái đanh thổi lửa
Con ngựa chết trương
Ba vương ngũ đế
Chấp dế đi tìm
Ù à ù ập.”

  • Khi đọc đến chữ “ập” trẻ xòe tay sẽ nhanh chóng nắm chặt tay lại, những đứa trẻ còn lại phải rút tay lại trước đó để không bị giữ lại.
  • Trẻ nào không thể rút tay ra sớm sẽ thua cuộc và phải làm người xòe tay.
5. Bắt chước tạo dáng

Trò chơi này có thể áp dụng được phổ biến cho trẻ nhỏ từ hơn 1 tuổi rưỡi. Nó giúp trẻ rèn luyện tốt khả năng quan sát, bắt chước và làm theo hướng dẫn của người khác.

Luật chơi: Trẻ nhỏ phải tạo hình giống với các yêu cầu, gợi ý của người quản trò.

Cách chơi: 

  • Người quản trò sẽ đưa ra một số câu hỏi hoặc gợi ý về các hành động mà trẻ cần phải thực hiện. Ví dụ như “Con hổ đang gầm”, “Con mèo đang ngủ”, “Con chim đang bay”,…
  • Trẻ sẽ dựa theo những lời nói mô tả đó để tự liên tưởng ra hình dáng của các con vật và lựa chọn cho mình một hình ảnh cụ thể.
  • Sau khi có hiệu lệnh của người quản trò, trẻ sẽ phải tạo dáng thành theo hành động đã định sẵn và giữ nguyên tư thế.
  • Khi được hỏi trẻ phải trả lời đúng về hành động mà mình đang làm.

Lưu ý: Để thêm phần hấp dẫn cho trò chơi, quản trò có thể cho trẻ đi vòng quanh, vỗ tay hoặc hát theo một bài hát nào đó. Khi có hiệu lệnh thì bắt đầu dừng lại và tạo dáng.

6. Trò chơi lá và gió

Luật chơi: Khi có gió thổi thì lá bay, khi gió ngừng thì lá cũng dừng. Trẻ phải làm đúng theo hiệu lệnh của người quản trò, nếu làm sai sẽ bị loại.

Khi tham gia trò chơi “Lá và gió” trẻ nhỏ sẽ trở nên năng động và dạn dĩ hơn.
Cách chơi: 

  • Các bé sẽ đóng vai thành những chiếc lá.
  • Quản trò sẽ làm gió và ra hiệu lệnh “Gió thổi mạnh”, “Gió thổi nhẹ” “Gió ngừng thổi”.
  • Khi gió mạnh thì lá bay mạnh, khi gió thổi nhẹ thì lá rung lắc, khi ngừng thổi thì lá đứng yên.
  • Trẻ sẽ nghe hiệu lệnh và làm thực hiện đúng theo các hành động.
7. Chuyền bóng

Chuyền bóng là một gợi ý giúp trẻ phát triển vận động hiệu quả và vô cùng an toàn có thể áp dụng được cho trường học hoặc tại nhà. Đồng thời bằng trò chơi thú vị này, trẻ nhỏ cũng sẽ biết cách làm việc nhóm, gia tăng sự kết nối với bạn bè xung quanh.

Chuẩn bị: 2 đến 3 quả bóng

Cách chơi: 

  • Người tham gia sẽ đứng thành hàng dọc hoặc có thể chia thành nhiều vòng tròn với số lượng khoảng 6-7 trẻ.
  • Mỗi vòng tròn sẽ được phát cho 1 quả bóng.
  • Khi có hiệu lệnh bắt đầu, trẻ đầu tiên sẽ bắt đầu chuyền bóng qua đầu cho bạn phía sau.
  • Vừa chuyền tất cả cùng hát:

”Không có cánh
Mà bóng biết bay
Không có chân
Mà bóng biết chạy
Nhanh nhanh bạn ơi
Nhanh nhanh bạn ơi
Xem ai tài, ai khéo
Cùng thi đua nào.”

  • Đội nào chuyền bóng về cuối đầu tiên sẽ chiến thắng.
8. Nhảy qua hộp

Nhảy qua hộp là trò chơi vui nhộn và cực kỳ hấp dẫn đối với những trẻ mầm non hoặc trẻ khoảng 2 tuổi. Nhờ vào trò chơi vận động này mà trẻ có thể rèn luyện và phát triển vượt trội hơn về kỹ năng đi, đứng, giữ thăng bằng.

Top những trò chơi vận động dành cho trẻ mầm non hay và thú vị nhất

“Nhảy qua hộp” là trò chơi vận động đòi hỏi sức bật của trẻ nhỏ.
Chuẩn bị: 

  • 5 đến 6 hộp carton, có thể là hộp giày, hộp đựng quần áo,…
  • Cọ và màu vẽ.

Cách chơi: 

  • Ba mẹ và trẻ hãy cùng nhau sơn vẽ lại những chiếc hộp theo sở thích và mong muốn của mình.
  • Sau đó hãy đặt những chiếc hộp thành một hàng dài với khoảng cách nhất định.
  • Đặt một món đồ mà trẻ yêu thích ở sau chiếc hộp cuối cùng.
  • Khi hô bắt đầu, trẻ sẽ cố gắng dùng sức bật để nhảy ra từng chiếc hộp và về đích lấy được món đồ mà mình mong muốn.
9. Nhảy lò cò

Nhảy lò cò là trò chơi vận động quen thuộc mà các bậc phụ huynh có thể dễ dàng áp dụng cho trẻ chơi tại nhà, giúp trẻ rèn luyện thể chất, nâng cao sức khỏe hiệu quả.

Chuẩn bị: Phấn vẽ để tạo thành các ô số trên mặt đất.

Cách chơi: 

  • Trẻ sẽ oẳn tù xì để chọn ra người chơi trước hoặc có thể dùng dép để thảy vào các ô có số tương ứng, trẻ nào có số lớn sẽ là người chơi trước.
  • Trẻ đứng ở vị trí xuất phát và cầm dép để thảy vào ô số 1.
  • Dép ở ô nào thì trẻ không được nhảy vào ô đó mà phải nhảy vào các ô bên cạnh để nhặt được chiếc dép đó.
  • Hoàn thành một vòng chơi thì trẻ sẽ tiếp tục thảy dép vào các ô có thứ tự tiếp theo.
  • Nếu trẻ nhảy chạm vạch, rơi chân xuống hoặc không nhặt được dép thì sẽ bị mất lượt.
10. Trò chơi bắt đĩa bay

Trò chơi bắt đĩa bay phù hợp để tổ chức cho trẻ mầm non từ 4 đến 6 tuổi. Khi tham gia trò chơi vận động này, trẻ nhỏ phải có sức chạy để bắt kịp đồ vật, nhạy bén đoán được hướng bay của nó để giành được chiến thắng.

Trẻ cần phải nhanh chân và nhạy bén để có thể bắt được chiếc đĩa bay.
Chuẩn bị: Đĩa nhựa bay

Cách chơi:

  • Cần có ít nhất 2 người tham gia trò chơi Đĩa bay
  • Không gian chơi cũng cần rộng rãi, ít chướng ngại.
  • Trẻ nhỏ sẽ đứng cách xa người quản trò.
  • Sau đó, người quản trò bắt đầu ném đĩa bay về phía người chơi và trẻ phải chạy theo để có thể bắt được đĩa.
  • Ai là người bắt được đĩa nhiều lần hơn sẽ chiến thắng.
11. Hái quả

Trẻ nhỏ từ 1,5 tuổi trở lên có thể thoải mái chơi trò chơi vận động “Hái quả”. Trò chơi này giúp trẻ có thể phân biệt rõ các nhiệm vụ khác nhau và vận động một cách linh hoạt.

Chuẩn bị:

  • Phấn vẽ
  • Rổ hoặc sọt đựng
  • Mô hình cây và quả với nhiều màu sắc.

Cách chơi:

  • Trẻ sẽ được chia thành nhiều nhóm với 3 hoặc 4 bạn.
  • Mỗi đội sẽ đứng sau vạch xuất phát để chuẩn bị cho phần chơi.
  • Người quản trò sẽ yêu cầu mỗi đội đi hái quả có màu sắc tương ứng.
  • Khi nghe hiệu lệnh bắt đầu của người quản trò, các bé lần lượt thay phiên nhau chạy lên hái đúng quả có màu sắc của đội mình và chạy về cho vào sọt đựng.
  • Đội nào nhanh chân hái được hết quả sớm nhất hoặc hái được nhiều quả nhất trong thời gian quy định là đội chiến thắng.
12. Tàu hỏa

Đoàn tàu hỏa đang xình xình chạy trên đường ray.
Luật chơi: Trẻ phải lắng nghe và xuất phát, dừng lại theo đúng như hiệu lệnh của người quản trò. Nếu trẻ nào quy phạm sẽ bị loại khỏi trò chơi.

Cách chơi:

  • Sử dụng phấn hoặc đường lót gạch để tạo thành 2 đường thẳng song song với nhau.
  • Trẻ tham gia trò chơi sẽ cùng nhau nối thành hàng như một đoàn tàu hỏa và di chuyển giữa 2 vạch song song giống như đường ray.
  • Người quản trò sẽ ra hiệu lệnh “Đèn xanh” thì đoàn tàu di chuyển, vừa đi vừa luôn miệng tạo ra tiếng “Xình xịch”.
  • Khi có lệnh “Lên dốc” thì tất cả phải kêu “Tu tu” và đi bằng gót chân.
  • Khi có lệnh “Xuống dốc” thì vẫn kêu “Tu tu” nhưng đi nhón gót.
13. Nhảy và dừng

Trò chơi này thích hợp cho trẻ từ 3 tuổi trở lên và được rất nhiều trẻ mầm non yêu thích. Khi nhảy nhót sẽ giúp cơ thể của trẻ nhỏ được vận động và thư giãn tốt hơn, giúp trẻ gia tăng các hoạt động của cơ thể và có phản xạ linh hoạt hơn.

Cách chơi: 

  • Người quản trò chuẩn bị một vài bài nhạc.
  • Khi nhạc nổi lên, trẻ cũng sẽ bắt đầu nhún nhảy theo từng điệu nhạc.
  • Mỗi đoạn nhạc hoặc mỗi bài hát đòi hỏi trẻ phải sáng tạo và thay đổi cách nhảy cho phù hợp.
  • Khi nhạc dừng, trẻ sẽ phải dừng ngay động tác đang nhảy và giữ nguyên tư thế.
  • Nếu lúc đó trẻ nhúc nhích thì xem như thua cuộc.
14. Nhảy bao bố

Nhảy bao bố là trò chơi vô cùng hấp dẫn và thú vị dành cho trẻ nhỏ ở nhiều lứa tuổi khác nhau. Trẻ cần phải linh hoạt trong cách di chuyển, khéo léo để điều chỉnh tư thế nhảy để có thể nhanh chóng về đích, tránh tình trạng bị té ngã.

Trò chơi dành cho trẻ mầm non
Nhảy bao bố là trò chơi dân gian giúp trẻ vận động và phát triển thể chất lành mạnh.
Chuẩn bị: Bao bố

Cách chơi: 

  • Cần có ít nhất 2 người chơi.
  • Chia người chơi thành 2 đôi với số lượng bằng nhau.
  • Mỗi đội xếp hàng ở vạch xuất phát và người đầu tiên sẽ cầm bao bố.
  • Khi có hiệu lệnh xuất phát của người quản trò thì người đầu tiên sẽ bước vào bao bố, cầm chắc miệng bao và dùng lực để nhảy về đích.
  • Sau khi về đích thì bước ra khỏi bao và cầm bao chạy về vạch xuất phát cho người kế tiếp thực hiện trò chơi.
  • Các thành viên lần lượt thay phiên nhau nhảy bao bố về đích và người cuối cùng của đội nào hoàn thành chặng đua và về đích trước sẽ chiến thắng.
15. Trò chơi đi bộ 3 chân

Trò chơi đi bộ bằng 3 chân rèn luyện và phát triển tốt khả năng khéo léo cùng sự hỗ trợ, tương tác lẫn nhau giữa bạn bè.

Chuẩn bị: Dây buộc chân

Cách chơi: 

  • Người chơi bắt cặp, 2 trẻ sẽ cùng một đội.
  • Người quản trò sẽ giúp trẻ buộc chân vào nhau, chân phải của trẻ này trẻ buộc vào chân trái của trẻ đi, 2 người tạo thành 3 chân.
  • Cả hai nắm tay hoặc khoác vai nhau để cùng nhau di chuyển về đích.
  • Đội nào về đích trước sẽ chiến thắng.
16. Trò chơi Kéo co

Nếu nhắc đến các trò chơi vận động dành cho trẻ mầm non hấp dẫn thì Kéo co chính là một trong những lựa chọn phù hợp nhất. Trẻ nhỏ vừa có thể gia tăng vận động của cơ thể vừa hỗ trợ phát triển khả năng làm việc nhóm, tinh thần đồng đội.

Kéo co không chỉ cần có sức mạnh mà còn phải có sự kết hợp khéo léo giữa đồng đội.
Chuẩn bị: 

  • Dây thừng hoặc những loại dây chuyên dùng dùng để kéo co
  • Cái khăn để buộc vào dây làm mức.

Cách chơi:

  • Người chơi được chia thành nhiều đội với số lượng khác nhau, mỗi đội chơi cần cân sức cân tài, có đủ nam và nữ.
  • Dùng phấn hoặc vật gì đó để làm mức kéo co.
  • Mỗi đội sẽ cần 2 đầu của sợi dây và cột mức của khăn nằm song song với vạch mức đã vẽ.
  • Khi trọng tài hô bắt đầu hoặc thổi còi ra tín hiệu thì cả hai đội đều phải dùng sức để kéo dây về phía đội mình.
  • Đội nào kéo được phần dây về phía mình như đã quy định sẽ là đội chiến thắng.
17. Trò chơi Ô tô và chim sẻ

Chuẩn bị:

  • 1 hoặc 2 chiếc vòng tròn nhỏ có đường kính khoảng 20cm.
  • Phấn để vẽ hai đường giới hạn phân định giữa làn đường ô tô và vỉa hè.

Cách chơi:

  • Trẻ nhỏ sẽ đóng vai thành chim sẻ, còn người quản trò sẽ cầm vòng tròn giả vờ như đang lái ô tô.
  • Các con chim sẻ sẽ đi khắp trên mặt đường để tìm kiếm thức ăn.
  • Ô tô sẽ chạy đúng vạch đường đã phân cách và tạo ra tiếng kêu “Bim bim”.
  • Khi nhìn thấy ô tô chạy đến, chim sẻ phải nhanh chóng bay lên và tránh khỏi đường đi của ô tô.
  • Khi ô tô chạy qua, chim sẻ lại bắt đầu sà xuống tìm kiếm thức ăn.

Lưu ý: 

  • Giáo viên có thể chọn ra một vài bạn nhanh nhẹ để làm ô tô.
  • Khi ô tô di chuyển cần tạo ra tiếng động lớn để chim sẻ nhận biết.
  • Cần phải dặn dò và luôn nhắc nhở các em không được chen lấn, xô đẩy lẫn nhau.
18. Ném vòng

Ném vòng là trò chơi vận động phù hợp cho trẻ mầm non và có thể linh hoạt vui chơi trong nhà, không đòi hỏi không gian quá rộng rãi. Đồng thời không giới hạn hay quy định về số lượng người chơi, ba mẹ và trẻ có thể thoải mái vui chơi tại nhà.

Trò ném vòng có thể được linh hoạt tổ chức chơi ở nhiều địa điểm, không gian khác nhau.
Chuẩn bị: Bộ trò chơi ném vòng hoặc ba mẹ có thể dùng các vòng tròn và chai nhựa.

Cách chơi: 

  • Đặt chai nhựa hoặc bộ đồ chơi ném vòng ra xa (tùy vào khả năng của trẻ).
  • Người chơi cầm vòng và đứng tại vạch chuẩn bị.
  • Dùng vòng để ném vào chai hoặc các thanh gỗ của bộ đồ chơi.
  • Mỗi người chơi có thể được phát từ 3 đến 5 vòng tùy số lượt người chơi.
  • Ai ném được nhiều vòng lọt vào chai thì người đó sẽ thắng cuộc.
19. Chơi bập bênh

Chuẩn bị: Bập bênh, thường sẽ có 2 loại, dành cho 1 trẻ hoặc 2 trẻ chơi.

Cách chơi:

  • Đối với loại bập bênh chỉ dành cho một trẻ thì ba mẹ chỉ cần đảm bảo trả ngồi đúng vị trí và tự lắc lư như đang cưỡi ngựa.
  • Đối với loại bập bênh dành cho 2 người thì cần có sự hỗ trợ và theo dõi kỹ lưỡng của người lớn để đảm bảo an toàn cho trẻ. Mỗi trẻ sẽ ngồi ở một đầu, tay cầm chắc vào điểm tựa, sau đó thay phiên nhau bật lên, hạ xuống.
20. Nhảy thú nhún

Nhảy thú nhún là trò chơi đơn giản mà hầu hết những trẻ từ 2 đến 5 tuổi đều rất yêu thích. Trò chơi này có thể chơi một mình và chơi ở nhiều không gian khác nhau.

Trò chơi vận động dành cho trẻ mầm non
Thú nhún luôn là trò chơi vận động thu hút sự quan tâm của nhiều trẻ ở lứa tuổi mầm non.
Chuẩn bị: Thú nhún

Cách chơi: 

  • Trẻ chỉ cần ngồi vững trên thú nhún và nhún người để có thể di chuyển.
  • Để gia tăng sự hứng thú cho hoạt động này, các bậc phụ huynh có thể cho trẻ cùng chơi với nhau, tạo ra luật chơi xem ai là người về đích đầu tiên.
21. Trò chơi Cướp cờ

Chuẩn bị: 

  • Cây gậy và mảnh vải với màu bất kỳ để làm cờ.
  • Một cái lọ để đựng cờ.
  • Phấn hoặc dép để phân vạch xuất phát.

Cách chơi:

  • Người chơi sẽ được chia đều thành 2 đội và đứng ở 2 vạch xuất phát đối diện nhau.
  • Người chơi của mỗi đội sẽ đếm số theo thứ tự 1,2,3,…
  • Quản trò sẽ lần lượt gọi từng số và người có số tương ứng sẽ chạy lên chính giữa để cướp cờ.
  • Số nào được quản trò gọi thì mới được chạy lên chỗ cướp cờ.
  • Quản trò có thể gọi cùng lúc nhiều số thứ tự.

Luật chơi: 

  • Khi chạy lên cướp cờ, thành viên của mỗi đội phải nhanh chân chạy về vạch xuất phát và không để đội bạn chạm vào người.
  • Khi nhận thấy có nguy cơ bị chạm vào người thì có quyền bỏ cờ xuống đất.
  • Chỉ tính khi các số giống nhau chạm vào nhau. Ví dụ số 3 của đội A chỉ được chạm vào số 3 của đội B.
  • Không được ôm, giữ nhau khi cướp cờ.
  • Khoảng cách cờ đối với vạch xuất phát của 2 đội là bằng nhau.
  • Sau nhiều lượt chơi, đội nào cướp được nhiều cờ nhất sẽ chiến thắng.
22. Bịt mắt bắt dê

Trò chơi vận động dành cho trẻ mầm non
Bịt mắt bắt dê giúp trẻ gia tăng vận động cả về thể chất lẫn tinh thần.
Chuẩn bị: Khăn để bịt mắt

Cách chơi:

  • Trong số người chơi sẽ chọn ra một người bị bịt mắt bằng khăn.
  • Các bé còn lại sẽ nắm tay nhau đứng thành vòng tròn xung quanh người bịt mắt.
  • Tất cả cùng nhau hát một bài và đi vòng quanh người bịt mắt.
  • Khi có hiệu lệnh “Bắt dê”, người bịt mắt sẽ bắt đầu đi tìm đối tượng và phải đoán đúng tên người đó là ai.
  • Nếu đoán đúng thì người bịt mắt sẽ phải ra thay thế vị trí đó.
23. Mèo đuổi chuột

Mèo đuổi chuột là trò chơi dân gian quen thuộc có thể giúp cho trẻ nhỏ gia tăng các vận động về thể chất, tạo cho trẻ không gian vui chơi thoải mái và thú vị.

Cách chơi:

Cần khoảng 6 đến 9 người chơi, trong đó có 2 người xung phong làm mèo và chuột, những người chơi khác sẽ đứng thành vòng tròn và nắm tay nhau giơ lên cao.
Khi hô bắt đầu, mọi người cùng nhau hát to:

“Mèo đuổi chuột

Mời bạn ra đây

Tay nắm chặt tay

Đứng thành vòng rộng

Chuột luồn lỗ hổng

Mèo chạy đằng sau

Thế rồi chú chuột lại đóng vai mèo

Co cẳng chạy theo, bác mèo hóa chuột”

Cùng lúc đó mèo bắt đầu đuổi bắt chuột chạy ra các vòng tay của người chơi. Mèo phải chạy qua các cung đường mà chuột chạy và cố gắng để chạm vào người chuột.
Chú chuột phải nhanh chân và luồn lách để thoát khỏi sự truy đuổi của chú mèo.
Khi hết bài hát nếu mèo bắt được chuột thì mèo sẽ chiến thắng và ngược lại.
Các trò chơi vận động mang đến rất nhiều lợi ích về sức khỏe, sự phát triển toàn diện cho trẻ mầm non. Hy vọng với những trò chơi hấp dẫn được gợi ý trong bài viết này, bạn đọc sẽ dễ dàng áp dụng và tạo cơ hội để trẻ vui chơi, thư giãn và phát triển hiệu quả nhất.
 

Chia sẻ

Nhận tư vấn từ Goal Baby

Đăng ký email của GoalBaby để nhận những chia sẻ về chăm sóc, nuôi dậy trẻ và đồ chơi phù hợp.
Nhận ngay ebook của GoalBaby "Nuôi dạy một đứa trẻ tuyệt vời theo phương pháp Montessori"